Dịch tả lợn châu Phi sẽ còn diễn biến phức tạp
Trong thời gian qua, với những nỗ lực và hành động quyết liệt của cả hệ thống, công tác phòng, chống dịch đã đạt được một số kết quả quan trọng. Bước đầu hạn chế tình trạng lây lan và giảm thiểu thiệt hại.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan dịch vẫn còn nhanh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này, đã có 29 tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy lên đến 1,22 triệu con (chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn của cả nước). Đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.
Các báo cáo cũng cho thấy, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục thường xuyên thành lập các đoàn công tác đến các địa phương có dịch, địa phương nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập.
Cụ thể, một số địa phương chưa chủ động giám sát, chưa nắm bắt kịp thời thông tin dịch bệnh, chậm báo cáo, báo cáo thiếu chính xác, chậm công bố dịch, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, chưa tổ chức chống dịch, dẫn đến trường hợp người dân bán chạy lợn bệnh làm lây lan dịch bệnh. Một số địa phương chưa tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện; có trường hợp chưa kịp bố trí lực lượng tiêu hủy lợn, để lợn chết trong chuồng quá thời gian quy định, người chăn nuôi tự tiêu hủy, vứt xác lợn ra môi trường; nhiều địa phương chậm hỗ trợ kinh phí cho người dân có lợn buộc tiêu hủy. Việc tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc chưa được thực hiện tốt, chưa thường xuyên, chưa rộng khắp (toàn xã, toàn huyện và toàn tỉnh), nhất là tại các hộ chăn nuôi có lợn bệnh, lợn chết. Và do không có quy định về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh, nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận chuyển lưu thông động vật, sản phẩm động vật ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh; các tổ chức, cá nhân dễ dàng hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với một loại dịch bệnh nguy hiểm, gian nan trong phòng chống, gây thiệt hại kinh tế lớn nhất từ trước đến nay như dịch tả lợn châu Phi. Về dịch tễ học, đây là giai đoạn đầu của việc lan tỏa dịch bệnh. Dù số lợn tiêu hủy mới chỉ chiếm khoảng 4% tổng đàn lợn cả nước nhưng nguy hiểm ở chỗ là tốc độ lan truyền bệnh còn nhanh. Dự báo, trong thời gian tới nguy cơ lây lan của dịch bệnh là rất cao, diễn biến rất phức tạp; có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch vài tái phát lại tại nhiều địa phương; đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường.
Phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương chủ động phát hiện sớm, báo cáo dịch bệnh, công bố dịch bệnh theo đúng quy định. Huy động các lực lượng của địa phương để tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết kịp thời, triệt để trong vòng 24 giờ; thực hiện tốt việc vệ sinh, sát trùng bằng thuốc và vôi bột… Tại các địa phương có dịch, cần xem xét, thành lập các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm soát vận chuyển động vật nội tỉnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp chống dịch; bố trí kinh phí trả thù lao phù hợp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Củng cố và tăng cường năng lực của hệ thống thú y các cấp để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, đặc biệt là cấp địa phương. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia thành lập ngay các đoàn công tác liên ngành đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố trong kế hoạch tổ chức chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh phải có phương án cụ thể trong việc huy động các lực lượng như công an, quân đội... để giám sát và tiêu hủy triệt để lợn bị bệnh, tránh tình trạng vứt xác lợn ra ao, sông làm ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy. Trước việc một số địa phương có tình trạng vứt xác lợn ra các sông, ao, tiêu hủy không đảm bảo môi trường, Phó Thủ tướng nêu rõ, địa phương nào nếu có thông tin báo chí nêu phải vào cuộc ngay kiểm tra và xử lý nghiêm không để tình trạng trên.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc giết mổ lợn trong vùng dịch; đồng thời hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng 5 trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh tái cấu trúc ngành chăn nuôi; trong đó có chăn nuôi lợn để đảm bảo số lượng, chất lượng thực phẩm tốt, có sản phẩm bù đắp thay thế sản phẩm thịt lợn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.
Theo TTXVN